Cô Tiên vung cây đũa thần lên… Một lâu đài nguy nga, tráng lệ hiện ra. Bên trong, nàng Bạch Tuyết cùng các chú lùn cười nói rộn ràng.
Cô Tiên vung cây đũa thần lên… Một bàn tiệc thịnh soạn, đầy ắp những món ngon ở ngay trước mắt. Mọi người vui vẻ ăn uống trong khi tiếng dương cầm khẽ du dương.
Cô Tiên vung cây đũa thần lên… 14 chiếc giường xinh xắn trải nệm trắng tinh với chiếc chăn ấm áp hiện ra. Các cô bé, cậu bé chúc nhau ngủ ngon và chìm vào giấc mơ thần tiên…
Và "cô Tiên" sở hữu cây đũa vạn năng, không ai khác là chị Dương Ngọc Bích – CEO L'espace Art Homestay & Workshop.
Đồng cảm với những thiệt thòi của trẻ
Chị Bích dẫn chúng tôi đi khắp một vòng "tòa lâu đài" L'espace Art và kể về những câu chuyện ở đây. Bằng chất giọng trầm, chị kể về bản thân và con đường đi của mình. Nhưng, nói về những đứa trẻ và niềm vui của chúng khi đến L'espace Art, giọng chị như cao hơn, tràn đầy hứng khởi.
Chữ "duyên" đặt chị vừa vặn vào vị trí của nghề sư phạm. Chị theo học nghệ thuật nhưng yêu nghề giáo. Vì thế, chị buông bỏ hết cái tôi cá nhân, hào quang showbiz để trở thành cô giáo dạy piano và thanh nhạc. Chị từng đi dạy ở nhiều trung tâm nghệ thuật. Khoảng thời gian đó, chị nhận thấy: "Trẻ em bây giờ – kể cả những bé trong gia đình có điều kiện đều rất thiệt thòi. Ở đây, không phải là vấn đề ăn, mặc, vật chất mà là những thiệt thòi về tinh thần. Hầu hết các bé đi học theo lời bố mẹ chứ không phải vì thích thú, đam mê. Cuộc sống của trẻ con bây giờ bị chi phối nhiều bởi các thiết bị công nghệ. Bố mẹ thì bận rộn đến mức không còn thời gian lắng nghe con nói chuyện. Sống trong môi trường khép kín, những đứa trẻ hiện đại trở nên cô đơn, thiếu kỹ năng sống. Đó là những thiếu hụt không dễ bù đắp" – chị Ngọc Bích chia sẻ.
Thấu hiểu và mong muốn làm điều gì đó cho con trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa, chị Bích đã xây dựng L'espace Art Homstay & Workshop – một thế giới thần tiên ấm áp, vui vẻ và hạnh phúc. Đây là mô hình homstay kết hợp với workshop đầu tiên ở Việt Nam dành cho đối tượng trẻ em.
Đối với người lớn, một năm vài lần đi du lịch, ở homstay là cách để thư giãn và nâng cao giá trị bản thân. Ngược lại, trẻ con chỉ đơn giản xem đó là một nơi lưu trú. Trẻ vẫn tìm đến ipad, smartphone để giải trí. Thế nhưng, đến với L'espace Art Homstay & Workshop, trẻ sẽ được tận hưởng trọn vẹn: được đi chơi, ở trong một khách sạn nhỏ, thưởng thức những món ăn lạ, được gặp gỡ bạn mới, được học cách làm những món đồ nhỏ xinh để mang về và viết cho nhau những dòng lưu bút đầy kỷ niệm.
Ngoài những bạn nhỏ đăng ký trải nghiệm, chị Bích cũng dành 2 ngày trong năm để gặp gỡ những trẻ em kém may mắn, phải tự mưu sinh bằng nghề bán báo, đánh giày… Để các em được trải nghiệm một cuộc sống như mơ – dù chỉ một ngày cũng là cách "cô Tiên" bù đắp phần nào những thiệt thòi quá lớn cho những đứa trẻ đó.
Chỉ quan tâm tới cảm xúc học sinh
Xứ sở thần tiên L'espace Art Homstay & Workshop mở cửa đón các cô bé, cậu bé vào 9h sáng. Đám trẻ mới lần đầu gặp nhau mà tưởng như đã quen từ lâu lắm. Ai nấy mặt háo ức ùa vào, cười nói râm ran. "Òa! Chỗ này xinh quá!", "Lên nhà ăn đi!", "Nhiều đồ thế", "Phòng ngủ này, tớ sẽ ngủ ở đây"…
Những câu nói như vậy, chị Bích được nghe rất nhiều nhưng mỗi lần lại là một cảm xúc mới lạ. Chị bảo: "Khi làm bất cứ thứ gì cho con trẻ, điều tôi quan tâm nhất chỉ là cảm xúc của các con như thế nào. Các con có thực sự vui vẻ, thích thú và hạnh phúc khi đến đây không? Có cảm nhận được tình cảm mà các cô dành cho không…".
Để tạo hứng thú cho học sinh, chị Bích chăm chút cho từng góc nhỏ trong tòa lâu đài. Tầng 1 là phòng khách nhỏ xinh và không gian sinh hoạt tập thể. Tầng 2 là thế giới nghệ thuật với màu vẽ, các nguyên vật liệu cho buổi workshop và phòng học piano. Tầng 3 là quầy bakery, bàn ăn và phòng ngủ. Tầng gác với 3 chiếc giường ngủ và kho để đồ được thiết kế gọn gàng nhưng đầy bí ẩn, khêu gợi sự tò mò của trẻ nhỏ. "Bé nào cũng thích được ở trên tầng 4 này", chị Bích cười, kể.
Ở L'espace Art Homstay & Workshop, chị Bích gọi các cô giáo là nàng Bạch Tuyết, cô Tấm, có khi lại là Cám. Các bé sẽ là những chú lùn hay một tên gọi ngộ nghĩnh nào đó. Cách xưng hô ấy khiến cô – trò và các bé gần gũi hơn, dễ dàng chia sẻ, trò chuyện cùng nhau.
"Cô Tiên" cùng các nàng Bạch Tuyết sẽ lên chương trình trải nghiệm cụ thể nhưng không quá gò bó, cứng nhắc giờ nào việc nấy. Các bé sinh hoạt như một gia đình lớn và đôi lúc được làm những việc đầy ngẫu hứng. Bên cạnh các hoạt động như đi nhà sách, tiệc ngoài trời; các bé đặc biệt thích góc workshop. Các bé được hướng dẫn làm nên một tác phẩm sinh động, có hồn từ những thứ gần gũi như đá, que kem, hạt gạo… hay những mẩu vải nhỏ tưởng như chỉ có thể bỏ đi. "Thông qua đó, tôi muốn rèn cho trẻ tính kiên trì, óc thẩm mỹ. Quan trọng hơn là để các bé biết trân trọng mọi thứ quanh mình. Cách nhìn nhận cuộc sống, con người cũng vì thế mà đẹp hơn" – chị Bích chia sẻ.
Luôn lắng nghe
Một trong những nhu cầu của trẻ là được lắng nghe. Đó cũng là văn hóa của lâu đài L'espace Art. Trước khi đi ngủ, cô và trò đều dành thời gian "tám chuyện". Ai cũng tranh nhau kể những chuyện trên trời dưới đất bởi ở nhà bố mẹ vì bận rộn hoặc không đủ kiên trì lắng nghe con nói. Chị Bích chia sẻ: "Nhiều khi, tôi cảm giác như các bé được "xả" hết những suy nghĩ bị dồn nén trong lòng từ lâu. Ở đây, các bé được bạn bè, được cô lắng nghe và chia sẻ. Kể xong, ai cũng thấy thoải mái hơn. Các cô luôn luôn là người kể câu chuyện cuối cùng và đưa ra lời khuyên hoặc hướng các con suy nghĩ theo cách tích cực hơn".
Có những trường hợp tự kỷ hoặc sống khép mình, không giao tiếp với ai khiến chị Bích vô cùng rối trí. Như một chuyên gia tâm lý, chị kiên trì lắng nghe; tạo cho các bé cảm giác an toàn, tin cậy để xé lớp vỏ bọc và bắt đầu chia sẻ. Với chị Bích, đó là những giá trị thực mà chị đã đem lại cho học sinh của mình. Sau một ngày trải nghiệm, các bé đều có những thay đổi tích cực cả về kỹ năng, nhận thức, có sự chín chắn hơn.
Đọc những dòng nhật ký học sinh để lại, chị Bích cười hiền, ánh mắt chứa chan hạnh phúc. Đó là động lực để "cô Tiên" tiếp tục vung cây đũa thần xây thêm nhiều tòa lâu đài, mang thế giới thần tiên đến với trẻ em ở khắp mọi nơi.