Sự kiện Giỗ Tổ ngành tóc được tổ chức nhằm mục đích tri ân Tổ nghiệp và tôn vinh những người trong ngành đã không ngừng cống hiến, sáng tạo giúp ngành tóc Việt Nam liên tục phát triển. “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”, hàng năm, tất cả những nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp, tài năng luôn dành thời gian để trở về thắp nén hương tưởng nhớ, hướng về ngày Giỗ Tổ nghề.
Sự kiện Giỗ Tổ ngành tóc được tổ chức nhằm mục đích tri ân tổ nghiệp và tôn vinh những người trong ngành đã không ngừng cống hiến, sáng tạo, giúp ngành tóc Việt Nam liên tục phát triển.
Tìm về nguồn cội ngành tóc, trong dã sử nước ta, từ đời vua Hùng Vương, người Việt có tục để tóc dài hay búi tóc nhưng cũng đã có người cắt tóc. Tuy nhiên, thời kỳ này, công cụ cắt tóc chỉ là những kim khí đơn giản bằng đồng hay bằng sắt chủ yếu được sử dụng cho lao động sản xuất và tự vệ.
Cho đến thời nhà Lý, khi đạo Phật phát triển, nhiều người cho rằng Ông Tổ nghề tóc, người đầu tiên khởi xướng, đào tạo, truyền dạy cắt tóc cũng bắt đầu với việc cạo đầu cho các Phật tử quy y và trẻ con trong các lễ bán khoán với những kiểu tóc ba chỏm, trái đào…
Cũng có những quan niệm: nghề tóc được hình thành và phát triển từ phong trào Duy Tân (1905). Đây là cuộc vận động cải cách xã hội “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” với tâm niệm “đoạn tuyệt với các lạc hậu cũ”, kêu gọi đàn ông bỏ búi tó củ hành, bỏ đuôi sam và cắt tóc ngắn. Thanh niên, học sinh, sinh viên tập trung từng đoàn, từng tốp khắp từ Nam ra Bắc với kéo và tông đơ trên tay, ca vang bài hát "Húi hè!": "Húi hè! Húi hè! Bỏ cái ngu này, bỏ cái dại này. Ngày nay ta cúp, ngày mai ta cạo, húi hè!"… Đã có lúc họ bị thế lực phản động gọi là giặc tông-đơ, giặc húi hè hay giặc đồng bào… Chí sĩ Nguyễn Quyền (1886–1941) còn nổi tiếng bởi hai câu thơ: Phen này cắt tóc đi tu/Tụng kinh độc lập ở chùa Duy Tân. Như vậy, với sự xuất hiện của các dụng cụ chuyên biệt phục vụ cho việc cắt tóc, có thể nói, cắt tóc chính thức được coi là một nghề ở thời kỳ này.
Cho đến nay, lịch sử Việt Nam chưa có ghi chép nào khẳng định chính thức nghề tóc có từ bao giờ và do ai khởi xướng nhưng cũng có một quan điểm chung rằng: nghề này ở Việt Nam được lan truyền bởi các bà đầm Pháp. Những người này đã mang theo các dụng cụ chuyên biệt từ phương Tây sang Việt Nam và hướng dẫn những người Việt cắt cho họ. Cũng có thể từ đây, người Việt đã học được cách sử dụng công cụ làm tóc và áp dụng chúng trên quan điểm văn hoá, thẩm mỹ của mình.
Ở miền Bắc, dân gian lại tương truyền: Không biết từ bao giờ thầy địa lý Tả Ao yểm mạch nghề thợ cạo cho ô Đồng Lầm Kim Liên mà người Kim Liên có câu vè tự trào về cái nghề “Đè đầu vít cổ thiên hạ” của làng mình “Giang Sơn một tráp, gương, lược, dao/Chơi ngông gọt gáy khách anh hào…” cái nghề giản dị đã nuôi sống bao thế hệ của dân làng. Các cụ xưa vẫn kể lại rằng: từ thời có phong trào “cách tân”, đàn ông cắt bỏ búi tó củ hành mà để tóc ngắn, và rõ nét nhất là từ thời Pháp vào Việt Nam, lúc bấy giờ mới gọi là nghề cắt tóc. Nghề thợ cạo hay còn gọi là nghề ông Tả Ao, người dân làng đã quen gọi thế để tưởng nhớ tới người đã yểm mạch cho và gọi là nghề cha truyền con nối, hết đời này đến đời khác.
Chim có tổ, người có tông. Cây cỏ có cội, nước có nguồn.
Rạng công đức cha ông, sống trong đạo lý.
Tỏ ơn dày tiên tổ, thắm đẹp thuần phong.
Nước có sử – Làng có tích – Nghề có tổ sơ khai – Nhà có gia phả.
Với đạo lý đó, hướng về “Tổ tiên nghề Tóc”, Liên hiệp các Câu lạc bộ ngành tóc Việt Nam, Hội Thiết kế & Tạo mẫu tóc Việt Nam, Tổ chức Làng nghề truyền thống Kim Liên phối hợp tổ chức Đại lễ Tri ân Tổ nghiệp ngành tóc Việt Nam 2018 tại đình Kim Liên, Hà Nội vào ngày 30/4 sắp tới.
Thùy Linh